Chức danh nghề nghiệp Đăng ký biện pháp bảo đảm đã có quy định cụ thể về mã số, tiêu chuẩn và điều kiện xét thăng hạng
Ngày 24/9/2024, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 10/2024/TT-BTP quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp Đăng ký biện pháp bảo đảm và Thông tư số 11/2024/TT-BTP quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng đối với chức danh nghề nghiệp Đăng ký biện pháp bảo đảm.
Hoàn thiện chức danh nghề nghiệp Đăng ký biện pháp bảo đảm nhằm đáp ứng nhu cầu quản lý nhân lực ngành Tư pháp
Trên cơ sở quy định của Luật Viên chức năm 2010 (được sửa đổi, bổ sung năm 2019), Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 85/2023/NĐ-CP ngày 07/12/2023) và Nghị định số 98/2022/NĐ-CP ngày 29/11/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp, Thông tư số 10/2024/TT-BTP và Thông tư số 11/2024/TT-BTP được ban hành với mục đích: (i) để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong triển khai thi hành Nghị định số 115/2020/NĐ-CP và Nghị định số 85/2023/NĐ-CP và (ii) đảm bảo cụ thể hóa việc xác định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp Đăng ký biện pháp bảo đảm, làm cơ sở cho việc bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp Đăng ký biện pháp bảo đảm và đảm bảo cụ thể hóa việc xác định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng đối với chức danh nghề nghiệp Đăng ký biện pháp bảo đảm, làm cơ sở cho việc tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp Đăng ký biện pháp bảo đảm từ đó tạo sự thống nhất, xuyên suốt trong quản lý, chỉ đạo, điều hành và bảo đảm sự toàn diện, ổn định trong tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp.
Việc ban hành Thông tư số 10/2024/TT-BTP và Thông tư số 11/2024/TT-BTP đã đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, Kết luận số 62-KL/TW ngày 02/10/2023 của Bộ Chính trị về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW với mục tiêu là nâng cao chất lượng quản lý biên chế, nguồn nhân lực, năng lực quản trị của đơn vị sự nghiệp công lập, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với các đơn vị sự nghiệp công lập; đảm bảo sự đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định hơn trong triển khai thi hành các văn bản quy phạm pháp luật về vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp công lập và quy định khác có liên quan của pháp luật về viên chức vào trong quản lý chức danh nghề nghiệp chuyên ngành thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp tại các Trung tâm Đăng ký.
Bên cạnh đó, việc ban hành hai Thông tư trên cũng đáp ứng yêu cầu về quản lý chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành trong lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm thuộc thẩm quyền của Bộ Tư pháp và yêu cầu phát triển mới của hệ thống đăng ký biện pháp bảo đảm, của cung cấp dịch vụ hành chính công và của kinh tế - xã hội.
Quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp Đăng ký biện pháp bảo đảm
Thông tư số 10/2024/TT-BTP quy định mã số, tiêu chuẩn đối với chức danh nghề nghiệp Đăng ký biện pháp bảo đảm để áp dụng đối với viên chức thực hiện công việc đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, đăng ký tài sản, giao dịch khác theo quy định của pháp luật tại các Trung tâm Đăng ký; cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Thông tư gồm 03 chương, 08 điều với nội dung cơ bản như sau:
Một là, quy định 3 hạng Viên chức đăng ký biện pháp bảo đảm gồm hạng I, II, III tương ứng với Mã số lần lượt là V.00.01.01, V.00.01.02 và V.00.01.03.
Hai là, quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp Đăng ký biện pháp bảo đảm, gồm:
(1) Tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp: (i) Có tinh thần trách nhiệm, tận tụy với công việc; tuân thủ kỷ luật, kỷ cương, trật tự hành chính, nội quy, quy chế của cơ quan; tôn trọng, không phân biệt đối xử đối với tổ chức, cá nhân có yêu cầu cung cấp dịch vụ hành chính công về đăng ký biện pháp bảo đảm; (ii) Có tinh thần hợp tác, tạo thuận lợi cho đồng nghiệp, cá nhân khác hoặc tổ chức khác trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ và trong cung cấp dịch vụ hành chính công về đăng ký biện pháp bảo đảm; (iii) Thực hiện lối sống lành mạnh, văn minh, phù hợp với môi trường công tác và môi trường cung cấp dịch vụ hành chính công về đăng ký biện pháp bảo đảm; (iv) Tiêu chuẩn khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của viên chức Ngành Tư pháp.
(2) Tiêu chuẩn chung về trình độ đào tạo, bồi dưỡng: (i) Bằng tốt nghiệp đại học trở lên các ngành thuộc lĩnh vực pháp luật và (ii) Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ Đăng ký biện pháp bảo đảm theo nội dung chương trình của Bộ Tư pháp.
(3) Nhiệm vụ và tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đối với Viên chức đăng ký biện pháp bảo đảm hạng III, hạng II và hạng I: Nhiệm vụ và tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đối với từng hạng đều có sự khác nhau theo cấp độ tăng dần tương ứng với hạng III, hạng II và hạng I. Theo đó, Viên chức đăng ký biện pháp bảo đảm hạng III có nhiệm vụ và tiêu chuẩn cơ bản trong thực hiện công việc đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, đăng ký tài sản, giao dịch khác theo sự phân công của cấp có thẩm quyền; Viên chức đăng ký biện pháp bảo đảm hạng II có nhiệm vụ và tiêu chuẩn cao hơn hạng III; Viên chức đăng ký biện pháp bảo đảm hạng I có nhiệm vụ cao nhất (chủ trì và chịu trách nhiệm chính trong thực hiện nhiệm vụ) và do đó tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của hạng I cũng là cao nhất trong ba hạng trên.
Quy định về tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng đối với chức danh nghề nghiệp Đăng ký biện pháp bảo đảm
Thông tư số 11/2024/TT-BTP quy định về tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng đối với chức danh nghề nghiệp Đăng ký biện pháp bảo đảm để áp dụng đối với viên chức thực hiện công việc đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, đăng ký tài sản, giao dịch khác theo quy định của pháp luật tại các Trung tâm Đăng ký; cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Thông tư gồm 03 chương, 06 điều với nội dung cơ bản như sau:
Một là, quy định nguyên tắc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp: (i) Việc tổ chức, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải căn cứ vào tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với viên chức đăng ký biện pháp bảo đảm; vị trí việc làm, cơ cấu, số lượng viên chức đăng ký theo chức danh nghề nghiệp và theo nhu cầu của Trung tâm Đăng ký phù hợp với Đề án vị trí việc làm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; (ii) Viên chức đăng ký biện pháp bảo đảm được xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Thông tư này, quy định pháp luật khác có liên quan; (iii) Bình đẳng, công khai, minh bạch, khách quan trong xác định tiêu chuẩn, điều kiện và trong xét thăng hạng đối với người dự xét thăng hạng.
Hai là, quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, gồm:
(1) Tiêu chuẩn, điều kiện chung về xét thăng hạng đối với Viên chức đăng ký biện pháp bảo đảm: (i) Đáp ứng tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp và tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng quy định tại Điều 3 và Điều 4 Thông tư số 10/2024/TT-BTP; (ii) Đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Trung tâm Đăng ký về việc tham dự kỳ xét thăng hạng trong trường hợp viên chức tại Trung tâm Đăng ký đáp ứng đủ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp vượt quá số lượng hoặc vượt quá cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp quy định tại Đề án vị trí việc làm của Trung tâm Đăng ký đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và trong trường hợp xét theo nhu cầu của Trung tâm Đăng ký; (iii) Đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện chung khác theo quy định liên quan của pháp luật về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.
(2) Tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng đối với Viên chức đăng ký biện pháp bảo đảm hạng III lên hạng II và hạng II lên hạng I: Thông tư quy định việc xét thăng hạng đối với Viên chức đăng ký biện pháp bảo đảm dựa trên những tiêu chí như: (i) Chức danh Viên chức đăng ký biện pháp bảo đảm đang giữ tại thời điểm nộp hồ sơ đăng ký dự xét thăng hạng; (ii) Việc đáp ứng tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ quy định tại Thông tư số 10/2024/TT-BTP; (iii) Thời gian giữ chức danh Viên chức đăng ký biện pháp bảo đảm; (iv) Nhiệm vụ cụ thể đã thực hiện.
02 Thông tư trên có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08/11/2024.
File đính kèm
1. TT10-2024.pdf
2. TT11-2024.pdf