Sáng ngày 21/12/2021, tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác tư pháp năm 2022 được tổ chức với 01 điểm cầu tại Trung ương và 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm đã vinh dự đón nhận Huân chương lao động hạng Nhì (lần thứ 2) vì đã có thành tích xuất sắc trong việc ứng dụng công nghệ thông tin đối với công tác đăng ký biện pháp bảo đảm, đáp ứng yêu cầu của người dân và doanh nghiệp, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Ngày 10 tháng 7 năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 104/2001/QĐ-TTg về việc thành lập Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp để thực hiện việc quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm, tổ chức việc đăng ký, cung cấp thông tin về các giao dịch bảo đảm theo thẩm quyền. Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng, trụ sở chính đặt tại thành phố Hà Nội. Kể từ khi thành lập cho đến nay, chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Cục được mở rộng, thể chế về giao dịch bảo đảm, đăng ký biện pháp bảo đảm ngày càng hoàn thiện, công tác quản lý nhà nước và thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm có hiệu quả và phát triển, cơ cấu tổ chức và đội ngũ cán bộ ổn định, đáp ứng yêu cầu và hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị mà Cục được giao.
Trong giai đoạn từ năm 2016-2020, Cục Đăng ký đã lập được những thành tích xuất sắc có phạm vi ảnh hưởng trong Bộ, ngành về ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản, trừ tàu bay, tàu biển, đáp ứng yêu cầu của người dân và doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, cụ thể:

Thứ nhất, trong công tác xây dựng văn bản, đề án

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Cục Đăng ký là xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giao dịch bảo đảm và đăng ký biện pháp bảo đảm, làm cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện Hệ thống đăng ký trực tuyến giao dịch bảo đảm bằng động sản, trừ tàu bay, tàu biển. Quá trình thực hiện quản lý nhà nước và tổ chức đăng ký biện pháp bảo đảm gắn liền với những nỗ lực hoàn thiện thể chế pháp lý trong lĩnh vực này. Trong giai đoạn từ năm 2016-2021, Cục Đăng ký đã chủ trì soạn thảo trình cấp có thẩm quyền ban hành 09 văn bản (02 Nghị định, 06 Thông tư, 01 Thông tư liên tịch). Việc ban hành các văn bản, đề án trong lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm đã tạo ra cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện Hệ thống đăng ký trực tuyến giao dịch bảo đảm mức độ 4. Bên cạnh đó, việc hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực này đã trực tiếp góp phần tạo hành lang pháp lý cho tổ chức và hoạt động đăng ký biện pháp bảo đảm bằng các loại tài sản; thể chế trong lĩnh vực này cơ bản đã được điều chỉnh thống nhất, phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế, đáp ứng với mục tiêu cải cách hành chính, cải cách pháp luật. Đồng thời, pháp luật đăng ký biện pháp bảo đảm ngày càng đáp ứng tốt hơn các yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính, nhu cầu về hệ thống đăng ký biện pháp bảo đảm thực sự thuận lợi, thân thiện với người dân, cộng đồng doanh nghiệp. Quy trình đăng ký, cung cấp thông tin đã được cải tiến theo hướng thuận tiện, khoa học và giảm chi phí như: thực hiện đăng ký trực tuyến mức độ 4; phiếu giản và minh bạch hoá hồ sơ, thủ tục đăng ký; loại bỏ các giấy tờ không cần thiết trong hồ sơ; rút ngắn thời hạn giải quyết xuống còn ngay trong ngày nhận hồ sơ hợp lệ; quy định cụ thể, rõ ràng các trường hợp được quyền từ chối đăng ký; thực hiện đăng ký liên thông; quy định rõ ràng quyền, nghĩa vụ của người yêu cầu đăng ký và trách nhiệm của cán bộ đăng ký; thống nhất một số quy trình, thủ tục đăng ký giao dịch, tài sản.

Thứ hai, Hệ thống đăng ký trực tuyến giao dịch bảo đảm bằng động sản mức độ 4 được triển khai thực hiện trên toàn quốc, tạo bước đột phá về cải cách thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ hành chính công giữa cơ quan nhà nước với người dân, doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tiết kiệm thời gian, chi phí trong việc thực hiện đăng ký các biện pháp bảo đảm liên quan đến tài sản bảo đảm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội

Với phương châm lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, đồng thời với mong muốn mang lại những thuận lợi trong quá trình đăng ký nên việc đưa đăng ký biện pháp bảo đảm lên môi trường mạng là một nhiệm vụ quan trọng và tất yếu. Với rất nhiều sự nỗ lực của Cục, cùng sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ Tư pháp, sự phối hợp có hiệu quả của các cơ quan trong và ngoài Bộ Tư pháp, ngày 19/3/2012, Bộ Tư pháp (Cục Đăng ký) đã chính thức đưa vào hoạt động Hệ thống đăng ký trực tuyến giao dịch bảo đảm bằng động sản (https://dktructuyen.moj.gov.vn). Tại thời điểm này, Cục Đăng ký là phiếu vị duy nhất trong Bộ Tư pháp thực hiện cung cấp dịch vụ công mức độ 3. Đồng thời, thực hiện Nghị quyết số 36a/NĐ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử, đến tháng 07/2017 Cục đã chính thức nâng cấp Hệ thống đăng ký trực tuyến giao dịch bảo đảm bằng động sản lên mức độ 4. Với 8 nhóm dịch vụ công được thực hiện trên Hệ thống đăng ký trực tuyến, Cục đã phục vụ cho khoảng 8,5 triệu lượt truy cập vào Hệ thống để tìm hiểu thông tin và đăng ký dịch vụ, trong đó tiếp nhận và giải quyết được khoảng 4 triệu giao dịch; hồ sơ nộp trực tuyến đến thời điểm hiện nay chiếm 79% tổng số Phiếu đăng ký. Hệ thống đăng ký trực tuyến giao dịch bảo đảm bằng động sản đã tiết kiệm được một nguồn lực đáng kể cho xã hội, người dân và cho ngân sách nhà nước. Theo tính toán, từ khi triển khai Hệ thống đăng ký trực tuyến mức độ 4 đến nay thì tốc độ tăng trưởng đạt 114%; tổng chi phí xã hội trong hơn 3 năm tiết kiệm được khoảng 275 tỷ đồng (Hệ thống đăng ký trực tuyến mức độ 3 trong 6 năm tiết kiệm được 49 tỷ đồng); chi phí lao động tiết kiệm được 994.000 giờ công lao động (Hệ thống đăng ký trực tuyến mức độ 3 trong 06 năm chi phí này tiết kiệm được được khoảng 465.000 giờ công lao động, tương đương với 7,3 tỷ đồng); nộp ngân sách nhà nước đạt gần 29 tỷ đồng.

Thứ ba, công tác đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, hợp đồng ngày càng phát triển theo hướng tăng về số lượng phiếu yêu cầu, chất lượng đăng ký ngày một nâng cao, phát huy vai trò là công cụ hữu hiệu giúp bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia giao dịch dân sự, kinh tế, tăng cường khả năng và cơ hội tiếp cận tín dụng cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, giúp Nhà nước trong việc định chính sách, ổn định phát triển nền kinh tế

Hoạt động đăng ký biện pháp bảo đảm, hợp đồng ngày càng được đẩy mạnh, số lượng giao dịch được đăng ký tại các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản thuộc Cục Đăng ký càng ngày càng phát triển, việc tiếp nhận và xử lý phiếu yêu cầu đăng ký được thực hiện tốt, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Điều này cho thấy ý nghĩa và hiệu quả tích cực mà công tác đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, hợp đồng đem lại cho xã hội. Hàng năm, số lượng giao dịch được đăng ký năm sau luôn tăng so với năm trước, với tốc độ tăng được duy trì đều đặn qua các năm trung bình là khoảng 125%. Từ năm 2017 đến 2020 (khi triển khai Hệ thống đăng ký trực tuyến mức độ 4), trong 04 năm số lượng phiếu yêu cầu đăng ký lên đến gần 4 triệu phiếu; đã có hơn 8,5 triệu lượt khách hàng tự tra cứu tìm hiểu thông tin về tài sản bảo đảm trên Hệ thống đăng ký trực tuyến.
Trong giai đoạn 2017 - 2020, số lệ phí các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản thu được ngày càng tăng, tổng thu giai đoạn này là hơn 192 tỷ đồng, các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản đã thực hiện trích nộp ngân sách nhà nước là gần 29 tỷ đồng, hoàn thành vượt mức so với kế hoạch đã đặt ra.
Những kết quả nêu trên đã thể hiện được vai trò và đóng góp của Cục Đăng ký đối với sự phát triển của Bộ, của ngành Tư pháp nói riêng, của xã hội nói chung. Để đạt được kết quả như vậy, Cục Đăng ký đã có các giải pháp tích cực, đồng bộ trong việc nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt là việc triển khai Hệ thống đăng ký trực tuyến về giao dịch bảo đảm mức độ 4 đã rút ngắn thời hạn giải quyết phiếu yêu cầu và gửi nhanh kết quả chứng nhận cho khách hàng. Bên cạnh đó, việc chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao dịch bảo đảm và đăng ký biện pháp bảo đảm, đồng thời ban hành quy định về đạo đức nghề nghiệp và văn hóa ứng xử, giao tiếp với khách hàng của viên chức, người lao động của các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản đã tạo được niềm tin, uy tín và sự thân thiện của người dân, doanh nghiệp đối với Cục Đăng ký.
Ngoài ra, tập thể Cục Đăng ký luôn nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chủ trưởng, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực trong nội bộ cơ quan và ngoài xã hội, gắn bó với quần chúng trong cả phiếu vị, cơ quan. 100% công chức, người lao động trong phiếu vị không vi phạm pháp luật. Các tổ chức đảng, đoàn thể thuộc Cục Đăng ký luôn thực hiện xuất sắc các nhiệm vụ được giao, được Đảng ủy Bộ, Công đoàn Bộ, Đoàn thanh niên Bộ đánh giá cao.

 Với những thành tích đạt được, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm đã được tặng “Huân chương Lao động hạng nhì” (lần thứ 2) vì đã lập được thành tích xuất sắc, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đăng ký biện pháp bảo đảm, đáp ứng yêu cầu của người dân và doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.