Ngày 14-15/12/2022, tại TP.Hồ Chí Minh, trong khuôn khổ triển khai Biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm giữa Bộ Tư pháp Việt Nam với Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC) thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới (World Bank), Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm - Bộ Tư pháp (Cục Đăng ký) đã phối hợp với IFC tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về nâng cao hiệu quả đăng ký biện pháp bảo đảm. Hội thảo do ông Phạm Tuấn Ngọc - Cục trưởng Cục Đăng ký và Bà Lin Huang, Chuyên gia cao cấp, Trưởng Nhóm Cơ sở Hạ tầng Tài chính, Bộ phận Tư vấn các Định chế Tài chính, Khu vực Châu Á Thái Bình Dương, IFC đồng chủ trì.

Hội thảo có sự tham gia của gần 200 đại biểu tham dự trực tiếp và trực tuyến. Về phía IFC có bà Phạm Thị Thanh Huyền, Cán bộ phụ trách Chương trình Cơ sở Hạ tầng Tài chính Việt Nam, Nhóm Tư vấn các Định chế Tài chính, IFC; Ông William Brydie-Watson, Tư vấn luật cao cấp, UNIDROIT; Ông Gavin McCosker, Cán bộ Điều hành cao cấp, Cơ quan quản lý đăng ký giao dịch bảo đảm trong ngành tài chính của Australia; Bà Elaine MacEachern, Chuyên gia Cao cấp, Bộ phận Tư vấn các Định chế Tài chính Toàn Cầu, IFC. Về phía Việt Nam, có đại diện đến từ Cục Đăng ký, đại diện các Sở, ngành như Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương tham dự trực tuyến; đại diện của một số Văn phòng đăng ký đất đai; đại diện của Hiệp hội Ngân hàng tại thành phố Hồ Chí Minh, đại diện các tổ chức tín dụng, tổ chức hành nghề công chứng, công ty luật, cơ sở đào tạo luật….

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phạm Tuấn Ngọc cho biết trong 21 năm qua, hệ thống đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản (ĐKBPBĐBĐS) tại Việt Nam đã ngày càng phát huy tốt hơn vai trò là công cụ hữu hiệu giúp công khai, minh bạch hóa thông tin về biện pháp bảo đảm, qua đó tăng cường khả năng và cơ hội tiếp cận tín dụng cho người dân và doanh nghiệp. Công tác ĐKBPBĐBĐS tại các cơ quan có thẩm quyền đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, số lượng đăng ký ngày càng tăng. Tuy nhiên, công tác này trong thời gian qua vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc như: Cơ sở pháp lý điều chỉnh trực tiếp và cao nhất trong lĩnh vực này mới chỉ dừng ở tầm Nghị định, trong khi công tác này liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của nhiều bộ, ngành và các địa phương, liên quan đến bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp; việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đăng ký của một số cơ quan có thẩm quyền đăng ký chưa được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật... Vì vậy, việc tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về nâng cao hiệu quả đăng ký biện pháp bảo đảm là sự kiện quan trọng và cần thiết nhằm đánh giá một cách khách quan, toàn diện thực tiễn công tác ĐKBPBĐBĐS tại Việt Nam và tham khảo những giải pháp theo thông lệ quốc tế tốt nhất để nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác này trong thời gian tới.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe đại diện Cục Đăng ký khái quát kết quả xây dựng thể chế về đăng ký biện pháp bảo đảm của Việt Nam; đại diện Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản tại TP.Hồ Chí Minh trình bày nội dung về thực tiễn đăng ký các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ tại Trung tâm; bà Lin Huang chia sẻ kinh nghiệm của Trung Quốc về đăng ký giao dịch bảo đảm và vai trò của Đăng ký viên; ông William Brydie-Watson chia sẻ kinh nghiệm hướng dẫn của UNIDROIT về đăng ký biện pháp bảo đảm; Ông Gavin McCosker chia sẻ kinh nghiệm của Australia về đăng ký giao dịch bảo đảm và vai trò của các Đăng ký viên và bà Elaine MacEachern chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về đăng ký giao dịch bảo đảm và vai trò của các các Đăng ký viên.

Trên cơ sở các báo cáo dẫn đề, các đại biểu tham dự Hội thảo đã tập trung trao đổi, thảo luận về giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm và tính hiệu quả trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản ở Việt Nam, về việc tham gia hội nhập đáp ứng yêu cầu về phát triển thương mại quốc tế cùng với nhu cầu hỗ trợ tín dụng cho lĩnh vực này.

Phát biểu tổng kết và bế mạc Hội thảo, thay mặt Cục Đăng ký, ông Nguyễn Hồng Hải - Phó Cục trưởng đã cảm ơn sự hỗ trợ của IFC, sự tham gia của các chuyên gia, các đại biểu và đánh giá đây là Hội thảo này sẽ là cơ sở giúp các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục hoàn thiện và tổ chức thực thi tốt các quy định của pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm, qua đó, nâng cao hiệu quả công tác đăng ký biện pháp bảo đảm, góp phần cải thiện môi trường vốn, môi trường đầu tư - kinh doanh ở Việt Nam trong thời gian tới.