Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về xử lý tài sản bảo đảm
Sáng ngày 15 tháng 12 năm 2022, tại thành phố Hồ Chí Minh, trong khuôn khổ triển khai Biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm giữa Bộ Tư pháp Việt Nam với Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC) thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới (World Bank), Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm - Bộ Tư pháp (Cục Đăng ký) đã phối hợp với IFC tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về xử lý tài sản bảo đảm. Hội thảo do ông Nguyễn Hồng Hải - Phó Cục trưởng Cục Đăng ký, cùng ông Jinchang Lai, Chuyên gia trưởng, Nhóm Tư vấn các Định chế Tài chính, Khu vực Châu Á Thái Bình Dương, IFC đồng chủ trì.
Hội thảo có sự tham gia của đại biểu trên cả hệ thống trực tuyến và trực tiếp. Về phía Việt Nam, có đại diện đến từ Cục Đăng ký, Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản, Cục Thi hành án dân sự TP.Hồ Chí Minh, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, các tổ chức tín dụng, công ty cho thuê tài chính, Văn phòng Công chứng, Văn phòng luật sư tại thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh, các cơ sở đào tạo luật... Về phía IFC, có bà Phạm Thị Thanh Huyền, Cán bộ phụ trách Chương trình Cơ sở Hạ tầng Tài chính Việt Nam, Nhóm Tư vấn các Định chế Tài chính của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC); Ông Giuliano G.Castellano, Phó Giáo sư Luật, Phó Giám đốc Viện Pháp luật Tài chính Quốc tế khu vực Châu Á, Trường Đại học Hồng Kông; Ông William Brydie-Watson, Tư vấn luật cao cấp, UNIDROIT.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Hồng Hải cho biết, việc xử lý tài sản bảo đảm có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo thực thi quyền chủ nợ của bên nhận bảo đảm trong trường hợp bên có nghĩa vụ vi phạm nghĩa vụ được bảo đảm. Do vậy, để góp phần thúc đẩy hiệu quả hoạt động tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, Hội thảo được tổ chức là để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế pháp lý hiệu quả trong xử lý tài sản bảo đảm trên cơ sở trao đổi, thảo luận về thực tiễn trong nước và kinh nghiệm quốc tế về xử lý tài sản bảo đảm trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách và trong thực thi pháp luật.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe ông Phan Văn Thụy - Phó trưởng phòng Phòng Nghiệp vụ 1 - Cục Thi hành án dân sự TP.Hồ Chí Minh chia sẻ thực tiễn xử lý tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng tại Thành phố Hồ Chí Minh; ông Phan Trọng Đạt, Quyền Giám đốc, Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC), Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) chia sẻ kinh nghiệm giải quyết Tranh chấp ngoài Tòa Án - Trọng tài và Hòa giải tại Việt Nam; ông Jinchang Lai, ông Giuliano G.Castellano và ông William Brydie-Watson chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về xử lý tài sản bảo đảm. Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã cùng thảo luận trao đổi chuyên sâu, gắn với các tình huống pháp lý với vấn đề phát sinh trong thực tiễn về xử lý tài sản bảo đảm, khả năng ứng dụng và giá trị tham khảo cho Việt Nam và đề xuất các giải pháp hoàn thiện quy định pháp luật và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm.
Kết thúc Hội thảo, thay mặt Cục Đăng ký, ông Nguyễn Hồng Hải cảm ơn sự hỗ trợ của IFC, sự tham gia của các chuyên gia, các đại biểu và đánh giá đây là Hội thảo đóng góp nhiều kinh nghiệm hữu ích trong nghiên cứu hoàn thiện pháp luật bảo đảm thưc hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm, đặc biệt là việc xử lý tài sản bảo đảm. Những thông tin này sẽ được Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm trong phạm vi thẩm quyền sử dụng tham khảo trong nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền về xây dựng thể chế, chính sách pháp luật và trong nâng cao hiệu quả của tổ chức, hoạt động đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản.