Nghị định số 99/2022/NĐ-CP góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam
Sáng ngày 27/02/2023, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đã đến dự và phát biểu khai mạc Hội thảo về tác động của các quy định mới trong Nghị định số 99/2022/NĐ-CP ngày 30 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm tại TP.Hồ Chí Minh. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ triển khai Biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm giữa Bộ Tư pháp Việt Nam với Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC) thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới (World Bank).
Hội thảo có sự tham gia trực tiếp của 170 đại biểu. Về phía Việt Nam, có đại diện đến từ Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản; Cục Công tác phía Nam thuộc Bộ Tư pháp; UBND TP.Hồ Chí Minh; UBND TP.Thủ Đức; Tòa án nhân dân TP.Hồ Chí Minh, TAND TP.Thủ Đức và TAND một số quận, huyện trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh; Chi cục Hàng hải Việt Nam tại TP.Hồ Chí Minh; Cảng vụ Hàng hải TP. Hồ Chí Minh; Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Hồ Chí Minh; Cục Thi hành án dân sự TP.Hồ Chí Minh và một số Chi cục Thi hành án quận, huyện tại TP.Hồ Chí Minh; Văn phòng đại diện TP.Hồ Chí Minh của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; Hội công chứng viên TP.Hồ Chí Minh; Văn phòng đăng ký đất đai TP.Hồ Chí Minh và các chi nhánh; đại diện các tổ chức tín dụng, công ty cho thuê tài chính, các tổ chức hành nghề công chứng, luật sư; cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học pháp lý trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh. Về phía IFC, có bà Phạm Thị Thanh Huyền, Cán bộ phụ trách Chương trình Cơ sở Hạ tầng Tài chính Việt Nam, Nhóm Tư vấn các Định chế Tài chính của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC).
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đánh giá Nghị định số 99/2022/NĐ-CP là một văn bản quy phạm pháp luật có ý nghĩa rất quan trọng trong thúc đẩy khả năng tiếp cận vốn và bảo đảm sự an toàn cho các giao dịch vay thông qua đó góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Trong thời gian qua, Chính phủ đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm khơi thông, giải phóng nguồn lực và tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có tập trung hoàn thiện pháp luật và tổ chức thực thi hiệu quả các quy định của pháp luật về biện pháp bảo đảm và đăng ký biện pháp bảo đảm. Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương cũng dành quan tâm đặc biệt cho việc tổ chức thi hành pháp luật trên thực tế, từ việc tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về biện pháp bảo đảm, thường xuyên rà soát thủ tục hành chính để hoàn thiện, cắt giảm và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công tác đăng ký biện pháp bảo đảm, bảo đảm công khai, minh bạch, nhanh, hiệu quả, qua đó cắt giảm chi phí tiếp cận vốn và sản xuất kinh doanh… cho tới việc tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về áp dụng pháp luật, rà soát, đánh giá thực tế thi hành các quy định pháp luật, lắng nghe các ý kiến phản hồi của người dân và doanh nghiệp để có những điều chỉnh về thể chế, chính sách phù hợp. Để triển khai đồng bộ, thống nhất, hiệu quả Nghị định trên cả nước, ngày 16/02/2023, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tới tất cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về triển khai thực hiện Nghị định này. Hội thảo hôm nay cũng là hoạt động nằm trong kế hoạch chung của Bộ Tư pháp triển khai thi hành Nghị định số 99/2022/NĐ-CP. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, với tư cách là cơ quan được Chính phủ giao thống nhất quản lý nhà nước về công tác đăng ký biện pháp bảo đảm, Bộ Tư pháp, các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, nhất là Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm luôn sẵn sàng lắng nghe, đồng hành cùng với các cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thường xuyên rà soát, đánh giá thực tiễn thi hành pháp luật, yêu cầu của sự phát triển mới để có những tham mưu điều chỉnh phù hợp.
Trong Phiên làm việc buổi sáng tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Cục trưởng Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm trình bày tham luận “Một số nội dung mới của Nghị định số 99/2022/NĐ-CP liên quan đến hoạt động của tổ chức tín dụng” và bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm trình bày tham luận “Các quy định liên quan đến động sản không phải là tàu bay, tàu biển, chứng khoán đã đăng ký tập trung tổ chức tín dụng cần quan tâm trong thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm”. Trên cơ sở các tham luận dẫn đề, các đại biểu cũng đã cùng thảo luận trao đổi chuyên sâu, gắn với các tình huống pháp lý với vấn đề phát sinh trong thực tiễn về nghiệp vụ để đảm bảo thống nhất trong cách áp dụng các quy định trong Nghị định số 99/2022/NĐ-CP.
Trong ngày 28/02/2023, Hội thảo sẽ tiếp tục thực hiện nội dung đối thoại giữa các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm với khách hàng là người yêu cầu đăng ký về những tác động của Nghị định số 99/2022/NĐ-CP trong lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản không phải là tàu bay, tàu biển, chứng khoán đã đăng ký tập trung.