Sáng 28/8/2024, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp) đã phối hợp với Dự án JICA tổ chức Tọa đàm nghiên cứu hoàn thiện pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, về đăng ký biện pháp bảo đảm để phù hợp xu hướng vận động, phát triển của khoa học công nghệ, của xây dựng kinh tế số, xã hội số. Tọa đàm do ông Nguyễn Hồng Hải, Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm và ông Onishi Hiromichi - Chuyên gia dài hạn của Dự án JICA chủ trì.

Tọa đàm có sự tham gia trực tiếp của 120 đại biểu. Về phía Việt Nam, có đại diện đến từ Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm; đại biểu đến từ: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giao thông vận tải, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Văn phòng Đăng ký đất đai TP.Hà Nội và chi nhánh các quận; Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam; đại diện các tổ chức tín dụng, công ty cho thuê tài chính, các tổ chức hành nghề công chứng, luật sư; cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học pháp lý (Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Tòa án, Học viện Tư pháp); một số công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Quan tâm chia sẻ, kết nối dữ liệu
Phát biểu khai mạc, Cục trưởng Nguyễn Hồng Hải khẳng định thực hiện chủ trương về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới theo tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/TW, Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương đang nỗ lực, cố gắng, thực hiện quyết liệt các biện pháp để thực hiện thành công các mục tiêu, trọng tâm của Nghị quyết. Một trong những nhiệm vụ và giải pháp được Nghị quyết đặt ra là phải tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật trên tất cả các lĩnh vực, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, khơi dậy, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Trong bối cảnh này, Cục trưởng Nguyễn Hồng Hải nhấn mạnh việc nghiên cứu, rà soát, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về hoàn thiện khuôn khổ thể chế pháp luật bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm là hoạt động hết sức cần thiết để đảm bảo tạo cơ sở pháp lý thống nhất, thuận lợi hơn, tháo gỡ các rào cản, các vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp, nhất là những người hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ khi tiếp cận vốn vay. Bên cạnh đó, tạo cơ sở pháp lý để thúc đẩy việc chuyển đổi số trong đăng ký biện pháp bảo đảm, xây dựng cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm và chia sẻ, kết nối dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu này với các cơ sở dữ liệu của các cơ quan quản lý nhà nước, của tòa án, thi hành án dân sự, công chứng, ngân hàng… để góp phần tạo cơ sở nền tảng cho xây dựng Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Việc tổ chức Tọa đàm là một trong các nỗ lực của Bộ Tư pháp, của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm để hiện thực hóa một phần mục tiêu này.

Phát sinh một số vấn đề pháp lý cần có tiếp cận hiệu quả hơn về tài sản số

Tại Tọa đàm, các đại biểu đã nghe tham luận dẫn đề do bà Nguyễn Quang Hương Trà - Trưởng Phòng Quản lý nghiệp vụ thuộc Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm trình bày với nội dung “Pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, về đăng ký biện pháp bảo đảm trong bối cảnh phát triển của khoa học công nghệ, của xây dựng kinh tế số, xã hội số ở Việt Nam hiện nay và một số vấn đề đặt ra để trao đổi, thảo luận”; tham luận do TS.Nguyễn Bích Thảo, Chủ nhiệm Khoa Luật Dân sự và TS.Đỗ Giang Nam, Phó Chủ nhiệm Khoa Luật Dân sự - Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội trình bày với nội dung “Bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong bối cảnh xây dựng nền kinh tế số ở Việt Nam”. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng được nghe ông Onishi Hiromichi trình bày tham luận “Tổng quan về những hoạt động lớn gần đây liên quan đến việc số hóa việc đăng ký tài sản, đăng ký tài sản bảo đảm là công nghệ,…  tại Nhật Bản”.

Trên cơ sở đó, các đại biểu tại Tọa đàm đã tập trung thảo luận về một số vấn đề đặt ra như: cơ chế pháp lý điều chỉnh việc đăng ký biện pháp bảo đảm đối với dạng thức tài sản phát sinh từ phát triển khoa học công nghệ, nhất là các tài sản mới như tài sản số, tài sản trí tuệ; việc thúc đẩy, tăng cường việc đăng ký trên môi trường số, nhất là liên quan đến xây dựng, vận hành, phát triển Hệ thống đăng ký trực tuyến. Giải pháp công nghệ hoặc cơ chế chính sách đặc thù để tăng cường tính bảo mật, an ninh, an toàn thông tin…; việc số hóa trong lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm bằng bất động sản; việc kết nối, chia sẻ dữ liệu kết quả đăng ký biện pháp bảo đảm giữa các cơ quan nhà nước; vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân trong hoạt động cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm tại Việt Nam và Nhật Bản.
Kết thúc Tọa đàm, ông Nguyễn Hồng Hải cho biết, trong thời gian tới Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm sẽ thực hiện việc rà soát các quy định của pháp luật trong lĩnh vực bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm với các mục tiêu: (i) Đáp ứng được các yêu cầu chuyển đổi số, kinh tế số; (ii) Bao quát đầy đủ hơn các lợi ích bảo đảm gắn với nhu cầu phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa, cung ứng vốn trong nền kinh tế và hội nhập; (iii) Đảm bảo hơn về tính khả thi trong xử lý tài sản bảo đảm với chi phí và rủi ro thấp. Thay mặt Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Cục trưởng Nguyễn Hồng Hải cảm ơn sự hỗ trợ, phối hợp của Dự án JICA, sự tham gia của các Chuyên gia và các đại biểu đối với Tọa đàm.