Bà tôi sinh ra trong gia đình trí thức khá giả ở Hà Nội, nhưng hoàn cảnh chiến tranh rồi bao cấp khiến ai cũng khó khăn.

Kháng chiến chống Mỹ, bà làm kế toán cho Cục Điện ảnh, ông tôi làm quân nhân, có bao nhiêu thu nhập bà dành hết lo cơm ăn, áo mặc cho mẹ và cậu tôi.

Nhìn người phụ nữ nhỏ bé còng lưng đạp xe 40 cây số mỗi tuần, chở đồ tiếp tế từ tập thể Nam Đồng về nơi sơ tán ở Thạch Thất cho hai con, người ta bảo "nhìn chị khổ như này đã thấy căm thù quân giặc rồi".

Lấy chồng là quân nhân, bà tôi có điều kiện hơn nhiều người cùng thời. Nhưng hàng xóm láng giềng kinh ngạc khi thấy, mỗi khi chồng con không có nhà, bà chỉ ăn cơm không với rau luộc. Một người bảo rằng, có chồng con, cơm nhà bộ trưởng cũng chưa được như nhà chị, nhưng khi mọi người đi vắng, tới bần cố nông cũng không ăn uống kham khổ vậy.

Thời bao cấp, khi đi làm, bà có thói quen chỉ mua một nửa suất cơm. "Bữa thường báo nửa suất cơm ăn, tiền thừa dành để đưa cho mẹ, nuôi dạy con thơ bớt nhọc nhằn", bà kể với tôi. Theo bà, tiết kiệm là để dành giúp những người xung quanh còn khó khăn hơn mình. Bà hy sinh cho chồng con, tiết kiệm tiền giúp anh chị em, họ hàng và cả người không quen. Ăn uống kham khổ, bà tôi nhiều lần ngất khi đang đi xe đạp trên đường. Tới tận lúc mất vào năm 89 tuổi, bà vẫn gọi mẹ tôi vào đưa những đồng tiền cuối cùng cho con như nhiều lần trước đó.

Tôi lớn lên, học đại học, đi làm theo đam mê và nhiều lần chọn công việc không phải vì tiền. Bà biết thế. Nỗi lo lớn của bà là tôi bị thiếu tiền. Trong suốt nhiều năm tôi đi học, đi làm, tháng nào bà cũng giúi vài triệu vào tay tôi. Nghĩ cũng xấu hổ, nhưng tôi sống được với nghề viết hàng chục năm một phần nhờ trợ cấp của bà ngoại - người chẳng bao giờ dám ăn một bữa tươm tất cho riêng mình.

Bà mất giữa đợt giãn cách xã hội do Covid năm 2020, mẹ tôi lục tủ mới thấy những bộ quần áo mới do con cháu tặng bà chưa bao giờ mặc. Bộ đẹp nhất chỉ được mặc lên người bà lúc liệm.

Lớn lên trong gia đình có bà, tôi luôn tin, đức hy sinh của người phụ nữ khó có thể kể hết. Nên khi chúng ta đã lớn, có đem được tiền về cho ông, bà, cha mẹ, thì cũng không bao giờ trả đủ những gì họ đã dành để nuôi dưỡng ta. Số tiền mang về nhà, nếu có, dù nhiều đến mấy cũng có chức năng chính là đem lại niềm vui cho người lớn, vì họ tin rằng đứa con đã trưởng thành.

Người lao động Việt Nam đang trải qua năm khó khăn nhất do Covid. Thống kê mới nhất do Tổng cục Thống kê công bố, mọi chỉ số về lao động và thu nhập đều giảm.

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên năm 2021 đạt 50,5 triệu người, giảm gần 792 nghìn người so với năm trước. Số lao động có việc làm phi chính thức và chính thức giảm gần 1,1 triệu người. Hơn 1,4 triệu người thiếu việc làm trong năm 2021, tăng 371 nghìn người so với năm trước.

Với bức tranh việc làm khó khăn, trừ một số ngành hưởng lợi do đại dịch, năm nay, mỗi người về quê ăn Tết có mang được nhiều tiền về cho cha mẹ hay không?

Cũng theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân tháng của người lao động năm 2021 là 5,7 triệu đồng. Trong đó, thu nhập bình quân tháng của lao động nam là 6,6 triệu đồng, và của lao động nữ 4,7 triệu đồng. Thu nhập giảm đồng loạt 20% - 30% do Covid. Số tiền có thể mang về biếu mẹ sẽ hụt đi. Chưa kể, hơn 1,4 triệu người thất nghiệp thì sao? Họ có tiền biếu cha mẹ hay không?

Tất nhiên, dù chúng ta ít dư dả hơn, tấm lòng dành cho cha mẹ quan trọng hơn là số lượng. Và những gì ta dành cho đấng sinh thành để họ vui tất nhiên không chỉ là tiền.

Tôi đã hối hận nhiều vì không dành đủ thời gian quan tâm tới bà ngoại mình, người suốt đời chỉ lo tôi vất vả, thiếu thốn. Bà tôi "cực đoan" tới mức tôi đã không thể biếu bà dù chỉ một đồng. Càng lớn, tôi càng nhận ra, những gì người thân đã dành cho mình vô cùng quý giá. Và một thứ mình có thể biếu ông bà, tặng cha mẹ quý hơn tiền là thời gian và sự an lòng.

Nhưng vẫn có nhiều người không có thời gian cho cha mẹ. Nửa triệu lao động sẽ ở lại Bình Dương ăn Tết, con số trên cả nước sẽ cao hơn nhiều khi có những địa phương đang vận động người ở ngoại tỉnh không về quê dịp Tết vì dịch Covid.

Thời gian là một thứ "tiền bạc" mà tôi đã ít cho đi, để chỉ còn lại tiếc nuối khi nghĩ về bà. Năm nay, tôi cũng tự thấy mình nên "biếu" bố mẹ tiền và sự quan tâm thường xuyên hơn, đơn giản để người lớn cảm thấy ấm lòng.

Tết này, bạn có biếu ông bà, cha mẹ năm trăm ngàn hay một triệu cũng là rất quý, đủ để họ thấy con cháu mình đã phương trưởng, và đang đứng vững trong đại dịch.

Có những món quà, dù nhỏ nhưng vẫn đủ. Bởi cái gì có thể giải quyết bằng tiền chưa phải quý nhất.

Nhà báo Lê Duy (Theo VNExpress.net)