Năm hôm trước, tôi vừa rời phòng mổ thì nghe tin thầy của mình, bác sĩ phẫu thuật người Anh, Niall Kirkpatrick, qua đời vì tai nạn khi đang đạp xe ở London.

Biết bao bệnh nhân và bác sĩ Việt Nam nợ bác sĩ Niall Kirkpatrick nhiều hơn một lời cảm ơn. Từng là Chủ tịch tổ chức thiện nguyện tạo hình khuôn mặt cho trẻ em Facing the World, Niall Kirkpatrick nhiều lần đến Việt Nam từ năm 2008 để mổ cho hàng trăm trẻ em gặp dị tật cũng như đào tạo hàng chục bác sĩ phẫu thuật tạo hình.

Trẻ em có thể gặp rất nhiều dị tật bẩm sinh thương tâm và thường phối hợp giữa hộp sọ, ổ mắt, đường thở và khối xương hàm mặt. Không ít cháu mới sinh đã bị dị tật sọ mặt nặng như dị tật hẹp hộp sọ, thóp không mở ra để não phát triển mà đóng dính vào sọ. Trong khi não bộ bên trong vẫn phát triển nhanh trong 12 tháng đầu, việc không mở thóp khiến tăng áp lực nội sọ, nếu không mổ kịp, đứa trẻ cả đời không thể phát triển trí tuệ và gây ra những biến chứng khủng khiếp.

Chỉ vài năm trước thôi, bác sĩ Việt Nam không thể phẫu thuật được các ca đa dị tật sọ mặt phức tạp và phải chờ những "ông Tây" như Niall Kirkpatrick sang giải quyết. Bác sĩ Việt Nam chỉ tập hợp bệnh nhân và phụ trợ vòng ngoài. Chuyên gia về nước thì các cháu tiếp tục chờ năm sau. Có những cháu một tuổi chờ tới bốn tuổi mới được mổ. Có cháu chờ từ năm tới 15 tuổi vẫn chưa tới lượt.

Covid-19 càng khiến sự chờ đợi dài hơn. Gần ba năm qua, bác sĩ nước ngoài không thể bay tới Việt Nam hàng năm để mổ nữa. Điều này là thảm họa đối với những ca không mở thóp. Chờ một năm thôi, hộp sọ đóng kín sẽ bóp nghẹt sự phát triển của não tự nhiên và các cháu sẽ trở thành "phế nhân". Ổ mắt không phát triển gây khô giác mạc dẫn đến mù lòa. Đường thở bị chèn ép có thể nguy hiểm tính mạng.

Làm sao giải quyết tình huống này?

Câu trả lời là các bác sĩ Việt Nam phải tự phẫu thuật. Bây giờ, mỗi tuần, bệnh viện chúng tôi đều giải quyết 1-2 ca không mở thóp hoặc đa dị tật sọ mặt như vậy. Chúng tôi đã không làm được nếu không có Niall Kirkpatrick và Facing The World.

Bác sĩ Niall Kirkpatrick (áo trắng, thứ 2 từ phải sang) - Ảnh: PV/Vietnam+

Khi các thành viên tổ chức này tới khảo sát miền Trung năm 2008, họ nhận thấy tỷ lệ dị tật bẩm sinh ở Việt Nam rất cao do di chứng chiến tranh. Dù rất nỗ lực, mỗi năm đoàn từ Anh sang cũng chỉ mổ được từ 15 tới 20 cháu. Vài ca quá nặng được đưa về Anh mổ, chi phí lên tới xấp xỉ 500 nghìn bảng. Các bác sĩ nước ngoài làm việc tận tâm với chất lượng chuyên môn cao, nhưng số bệnh nhân giải quyết được vẫn ít.

Năm 2013, tôi bay vào Đà Nẵng gặp Niall Kirkpatrick và chia sẻ những khó khăn của giới phẫu thuật Việt Nam khi xử lý các ca như vậy. Dị tật sọ mặt rất khó bởi tính đa dạng và đa vấn đề của các dị tật. Dị tật sọ còn có thể đi kèm hẹp hốc mắc khiến con mắt rơi ra ngoài, hoặc không có tai để nghe, hoặc dị tật mũi hẹp đường thở, hoặc dị tật miệng khiến các cháu khó ăn uống. Dị tật phức tạp như vậy, liên quan tới rất nhiều chuyên khoa nên một bác sĩ không giải quyết nổi. Bệnh nhân thường phải chạy vòng vòng tới 4-5 bác sĩ ở Việt Nam mà vẫn không được xử lý rốt ráo.

Niall Kirkpatrick và các chuyên gia của tổ chức mình đã giúp bệnh viện chúng tôi có khái niệm về "phẫu thuật trong vòng đa chuyên khoa", nghĩa là những cuộc phẫu thuật tập thể rất phức tạp vì phải có sự phối hợp giữa các chuyên gia đầu ngành về thần kinh, sọ não, hàm mặt, tai mũi họng, mắt và gây mê hồi sức. Hàng chục bác sĩ xúm vào cùng giải quyết một ca mổ như vậy. Quan trọng hơn, ông quyết định chuyển giao công nghệ và đào tạo bằng được để các bác sĩ Việt Nam có thể làm được những ca khó như họ.

Từ đó, có thời điểm tháng nào cũng có đoàn nước ngoài sang chuyển giao kỹ thuật cho phía Việt Nam và cùng mổ với chúng tôi. Đội ngũ bác sĩ của chúng tôi cũng được cử sang châu Âu học với các chuyên gia đầu ngành về phẫu thuật thần kinh, tai mũi họng, mắt, gây mê hồi sức. Các bác sĩ đa chuyên khoa Việt Nam cùng hội chẩn các ca với bác sĩ nước ngoài, cùng đứng mổ với họ. Mỗi năm một, hai lần, phía bạn lại chuyển giao kỹ thuật mới và viện trợ các trang bị hiện đại nhất cho chúng tôi. Bác sĩ Việt Nam nhanh chóng làm được tới 90% như bác sĩ nước ngoài.

Cứ thế, từ năm 2013 tới nay, bác sĩ Việt Nam đã tự phẫu thuật được cho bệnh nhân dị tật bẩm sinh, số lượng lên tới hàng trăm ca mỗi năm.

Việt Nam giờ đây tự hào đã mổ được những ca khó nhất của phẫu thuật tạo hình thế giới. Những ca không có tai là ví dụ. Trước đây, chúng tôi phải dùng xương sườn sụn chôn dưới da vùng tai và phải chờ đợi nhiều năm, trải qua 5-6 lần mổ mới thành công. Bây giờ, bác sĩ có thể làm tai bằng chất liệu nhân tạo, chỉ phẫu thuật một lần để các cháu trước khi đi học lớp một đã "có tai" rồi.

Kỹ thuật này chỉ 3-4 trung tâm lớn nhất thế giới thực hiện được. Hiện cả Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc cũng chưa làm được. Thậm chí, nhiều bệnh nhân nước ngoài đã đặt lịch hẹn tới Việt Nam để "làm lại tai".

Phải học cách tự câu thay vì chờ ai đó mang cá tới cho mình. Đó là bài học chúng tôi nhận được từ Niall Kirkpatrick và cộng sự. Bây giờ, tôi muốn truyền thông điệp ấy tới các bác sĩ ở tuyến dưới, ở vùng sâu vùng xa.

Thay vì chỉ tập hợp bệnh nhân để gửi lên những bệnh viện tuyến đầu, bác sĩ địa phương hãy chủ động liên hệ để chúng tôi chuyển giao kỹ thuật, vừa để giảm tải cho tuyến đầu, vừa giúp tuyến dưới có thể tự mổ được nhiều ca khó hơn cho người dân. Bộ Y tế đã có chủ trương và các bệnh viện tuyến đầu đã có dự án chữa bệnh từ xa. Chúng tôi đã kết nối với bệnh viện tuyến dưới, phẫu thuật từ xa, cứu sống nhiều người bệnh không thể di chuyển trong giai đoạn giãn cách vì Covid vừa qua.

Đại dịch là thời điểm khó khăn khi trẻ khuyết tật bẩm sinh không được quan tâm đầy đủ, nhiều bệnh nhân đáng ra cần phẫu thuật đã bị hạn chế, nhưng cũng là lúc toàn ngành Y phải động não nhiều hơn. Các bệnh viện tuyến đầu tăng cường kết nối để cùng giải quyết ca khó, lan toả mô hình chuyển giao cho tuyến dưới như Niall đã làm cho Việt Nam, đó là cách để giải quyết vấn đề phẫu thuật ca khó khi trắc trở vì đại dịch.

Bác sĩ Niall Kirkpatrick đi rồi nhưng di sản ông để lại vẫn đang giúp hàng nghìn em nhỏ Việt Nam tìm lại được nụ cười trên khuôn mặt bình thường. Di sản đó là trái tim vô lượng của người thầy thuốc.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà (Theo VNExpress.net)